Hiện nay trên thị trường có rất nhiều dung dịch sát khuẩn hay nước rửa tay khô có khả năng diệt vi khuẩn, virus, song rât nhiều loại không rõ về nguồn gốc và thành phần có thể chứa nhiều hóa chất làm hại da.
BS Bùi Quang Hào, Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn (Bệnh viện Da liễu Trung ương) cho biết, thời gian gần đây bệnh viện tiếp nhận một số trường hợp viêm da tiếp xúc dị ứng, đỏ mẩn, bong tróc, ngứa… Qua khai thác bệnh sử, nhiều bệnh nhân cho biết những ngày qua có sử dụng các loại dung dịch sát khuẩn mua trôi nổi trên thị trường hoặc dùng loại dung dịch tự pha chế để sát khuẩn tay ngừa dịch Covid-19. Chưa thể khẳng định 100% có phải do bệnh nhân sử dụng nước rửa tay nhanh hay không vì phải có kiểm nghiệm lâm sàng hoặc xét nghiệm đặc hiệu, nhưng việc sử dụng các sản phẩm trôi nổi, không rõ nguồn gốc xuất xứ, chưa được cơ quan chức năng kiểm định có thể ảnh hưởng đến da tay và làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
Với những dung dịch rửa tay nhanh sử dụng cồn là chất diệt khuẩn, nếu nồng độ cồn quá thấp (dưới 60 độ) thì không có tác dụng diệt khuẩn hoặc tác dụng diệt khuẩn kém. Trong khi đó, nếu nồng độ cồn quá cao (90 độ) thì sẽ làm đông, vón cục lớp protein trên bề mặt vi khuẩn, vi rút làm giảm tác dụng diệt khuẩn. Diệt khuẩn bằng cồn tuy có tác dụng diệt khuẩn nhưng dùng lâu, dùng nhiều, tay dễ bị dị ứng, kích ứng.
Bên cạnh đó, Bác sĩ cho biết, nước sát khuẩn diệt được vi khuẩn mà không cần đến nước và thành phần của dung dịch thì phải chứa một lượng lớn hóa chất. Do đó nó có thể làm hại đến người dùng cụ thể như tổn thương niêm mạc da tiếp xúc, kích ứng, sưng tấy, viêm… Nước rửa tay nhanh còn làm tăng khả năng hấp thụ BPA, một chất hóa học rất nguy hiểm gây ảnh hưởng đến hệ thống nội tiết dẫn đến ung thư. Tuy trong sản phẩm nước rửa tay khô không chứa chất độc hại này nhưng nó là phương tiện trung gian để đưa chất độc hại này từ tay dính vào thức ăn và vào cơ thể. Một số loại dung dịch rửa tay chứa chất hóa học tạo mùi nhân tạo, có thể gây các phản ứng dị ứng, viêm da, suy hô hấp, rối loạn nội tiết và tác động tiêu cực đến hệ sinh sản.
Vì thế, tìm mua và sử dụng nước sát khuẩn đạt chuẩn và nguồn gốc xuất xứ rõ ràng là vô cùng cần thiết. Bác sĩ khuyến cáo dịch bệnh diễn biến phức tạp, phương pháp vệ sinh tay tốt nhất vẫn là dùng nước và xà phòng trong ít nhất 20 giây hoặc sử dụng nước rửa tay sát khuẩn an toàn.
Không nên chỉ lạm dụng nước sát khuẩn mà phải đi kèm với các phương pháp khác như vệ sinh ăn uống, đeo khẩu trang, tránh nơi đông người… Hạn chế mua những loại nước rửa tay có mùi hấp dẫn, có thể kích thích trẻ muốn nếm thử và tăng nguy cơ kích ứng . Dùng cho trẻ những sản phẩm chuyên dụng hoặc khi trẻ sử dụng cần có sự giám sát của bố mẹ.
Nên dùng nước sát khuẩn trong các trường hợp có nguy cơ tiếp xúc với mầm bệnh như trước và sau khi ăn, khi hoạt động ngoài trời, sau khi cầm tiền, sau khi giao tiếp, đi tàu xe, phương tiện công cộng hay vào cơ sở thăm khám y tế. Sử dụng nước kháng khuẩn đúng cách theo khuyến cáo của nhà sản xuất.
Để phòng tránh lây nhiễm dịch, tránh dùng tay chưa rửa chạm vào mắt, mũi và miệng. Dùng khăn giấy hoặc khuỷu tay che mũi và miệng khi hắt hơi, ho, sổ mũi và rửa tay ngay. Làm sạch và khử trùng thường xuyên các bề mặt và vật dụng mà bạn hay chạm vào.
Liên hệ với chuyên viên y tế để nhận lời khuyên về những điều cần làm và thông tin cập nhật về tình hình dịch. Nếu bạn bị sốt, ho và khó thở hãy đến cơ sở y tế sớm để điều trị kịp thời.